Kinh tế Istanbul

Quận buôn bán Leventlà nơi có những tòa nhà cao nhất Istanbul.

Với tổng sản phẩm nội địa 301 tỷ đô la Mỹ năm 2011, Istanbul xếp thứ 29 trong các đô thị có GDP lớn nhất trên thế giới [143]. Thành phố chiếm khoảng 27% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ, sử dụng khoảng 20% lực lượng lao động công nghiệp của đất nước[14][144]. GDP bình quân đầu người và năng suất lao động của nó cao hơn mức trung bình của quốc gia lần lượt là 70 và 50%, một phần nhờ sự tập trung vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao. Với dân số đông và sự đóng góp đáng kể vào kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, Istanbul chiếm tới hai phần năm thu nhập thuế của nước này[14]. Trong số đó có tiền thuế của 30 tỷ phú đóng ở Istanbul, xếp thứ 5 trong số các thành phố nhiều tỷ phú nhất thế giới[145].

Tương xứng với quy mô thành phố, Istanbul có một nền kinh tế công nghiệp đa dạng, sản xuất các loại hàng hóa như dầu ô liu, thuốc lá, phương tiện giao thông và đồ điện tử[144]. Dù tập trung vào các ngày giá trị gia tăng cao, lĩnh vực sản xuất giá trị gia tăng thấp cũng đóng vai trò quan trọng, chỉ chiếm 26% GDP nhưng tới bốn phần năm tổng giá trị xuất khẩu của thành phố[14]. Năm 2005, các công ty đóng ở Istanbul tạo ra giá trị xuất khẩu 41,4 tỷ đô la và nhập khẩu là 69,9 tỉ; những con số này tương đương với 57 và 60 phần trăm tổng giá trị xuất/nhập khẩu tương tương ứng của quốc gia[146].

Istanbul là nơi có thị trường chứng khoán duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Sàn giao dịch Chứng khoán Istanbul. Mặc dù nó vốn được thành lập từ khá sớm, vào năm 1866 với tên Sàn Giao dịch Chứng khoán Ottoman, tầm quan trọng của nó bị suy giảm từ cuộc Đại Khủng hoảng những năm 1930. Nó chỉ bắt đầu khôi phục từ đầu năm 1986, sau một chuỗi các chương trình tự do hóa tài chính của chính phủ[147]. Trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Bankalar Caddesi (Phố Ngân hàng) ở Galata từng là trung tâm tài chính của Đế quốc Ottoman là nơi Sàn Giao dịch Chứng khoán Ottoman từng đặt[148]. Khu phố này vẫn là khu vực tài chính chính của Istanbul cho tới những năm 1990, khi hầu hết các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuyển trụ sở tới các quận buôn bán hiện đại ở trung tâm là Levent và Maslak. Năm 1995, Sàn Giao dịch Chứng khoán Istanbul chuyển cơ sở tới địa chỉ ngày nay ở phố İstinye thuộc quận Sarıyer[149]. Năm 2012, trên cơ sở sáp nhập với Sàn giao dịch Vàng Istanbul và Sàn giao dịch thứ cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Borsa Istanbul được thành lập.[150]

Là tuyến đường biển duy nhất giữa Biển Đen giàu dầu mỏ và Địa Trung Hải, Bosphorus là một trong những hải lộ đông đúc nhất trên thế giới; hơn 200 triệu tấn dấu đi qua eo biển này mỗi năm, và giao thông trên Bosphorus gấp ba lần so với Kênh đào Suez[151]. Do đó, người ta đã đưa ra những đề xuất xây thêm một kênh đào, gọi là Kênh đào Istanbul, song song với eo biển, trên bờ châu Âu của thành phố[152]. Istanbul có ba cảng tàu chính-Cảng Haydarpaşa, Cảng Ambarlı, và Cảng Zeytinburnu-cùng một số cảng nhỏ hơn và các bến tàu chở dầu dọc eo Bosphorus và Biển Marmara[153][154]. Haydarpaşa, nằm ở đầu đông nam của Bosphorus, là cảng lớn nhất của Istanbul cho tới đầu những năm 2000. Luồng giao thông dịch chuyển sang cảng Ambarlı đã làm cho Haydarpaşa hoạt động dưới sức chứa và hiện có những kế hoạch chấm dứt hoạt động[155]. Cho đến năm 2007, Ambarlı, ở góc phía tây của trung tâm nội thị, đã có sức chứa hàng năm lên tới 1,5 triệu TEU (đơn vị thể tích hàng hải, bằng kích thước container tiêu chuẩn) so với 354 nghìn TEU của Haydarpaşa, khiến cho nó trở thành cảng lớn thứ tư ở miền Địa Trung Hải[156][157]. Cảng Zeytinburnu có lợi thế gần đường ô tô và Sân bay quốc tế Atatürk[158] cũng như nằm trong những kế hoạch dài hạn của thành phố nhằm kết nối tốt hơn giữa tất cả các bến cảng và mạng lưới đường sắt[159].

Istanbul là một điểm đến du lịch ngày càng phổ biến hơn; năm 2000 chỉ có khoảng 2,4 triệu người nước ngoài đến thành phố thì năm 2015 con số này là 12,5 triệu người, đưa nó lên vị trí thứ 5 trong số những thành phố được viếng thăm nhiều nhất thế giới [12][160]. Istanbul là cổng giao lưu quốc tế lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, sau Antalya, chiếm một phần tư du khách nước ngoài tới đất nước này. Ngành công nghiệp du lịch tập trung chủ yếu ở bờ châu Âu, nơi có 90% khách sạn của Istanbul. Các khách sạn hạng trung và bình dân có xu hướng tập trung ở khu Sarayburnu, trong khi các khách sạn cao cấp chủ yếu đóng ở các trung tâm giải trí và tài chính ở phía bắc Sừng Vàng. Bảy mươi bảo tàng của Istanbul, được thăm nhiều nhất là Bảo tàng Cung điện Topkapı và Hagia Sophia, đem lại khoảng 30 triệu đô la thu nhập mỗi năm. Dự án quản lý môi trường của thành phố cũng ghi nhận rằng có 17 cung điện, 64 thánh đường Hồi giáo, và 49 nhà thờ có giá trị lịch sử ở Istanbul[161].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Istanbul http://www-sre.wu-wien.ac.at/ersa/ersaconfs/ersa06... http://www.armenianow.com/news/10672/armenian_in_i... http://www.borsaistanbul.com/en/corporate/about-bo... http://www.cnngo.com/explorations/shop/mystery-sho... http://www.csmonitor.com/World/Latest-News-Wires/2... http://www.economist.com/node/4389654 http://www.emporis.com/building/centralpostoffice-... http://www.emporis.com/building/haydarpasatrainsta... http://www.f1h2o.com/races/index.php http://turkey2010.fiba.com/pages/eng/fe/10/fwcm/ev...